1. Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội bao gồm 02 loại:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc “là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia”.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện “là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất”.
2. Các chế độ Bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
- Hưu trí;
- Tử tuất.
3. Nguyên tắc của Bảo hiểm xã hội
Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội;
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn;
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội;
Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định;
Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
4. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp
– Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS);
– Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (Mẫu D02-LT);
– Bản sao Đăng ký kinh doanh của công ty;
– Hợp đồng lao động công ty – nhân viên có ký tên đóng dấu giáp lai của công ty.
5. Thủ tục đăng ký Bảo hiểm xã hội cho Doanh nghiệp
Bước 1: Làm thủ tục xin cấp mã đơn vị
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin mã đơn vị BHXH trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc nộp qua mạng theo 2 cách sau:
Thực hiện thủ tục đăng ký mã đơn vị BHXH trên phần mềm kê khai BHXH điện tử và sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp để ký xác thực.
Truy cập website của cơ quan BHXH Việt Nam theo đường link: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn để thực hiện đăng ký mã đơn vị và theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ
Bước 2: Báo tăng lao
Sau khi được cấp mã đơn vị BHXH, doanh nghiệp có thể thực hiện các nghiệp vụ báo tăng, giảm lao động. Bước này, doanh nghiệp có thể đăng ký tài khoản khai báo trên các phần mềm kê khai BHXH hoặc trên website BHXH Việt Nam hoặc nộp hồ sơ giấy tại cơ quan BHXH quản lý.
Khi doanh nghiệp đăng ký và đóng tiền BHXH cho người lao động xong, cơ quan BHXH sẽ cấp Sổ BHXH, thẻ BHYT của người lao động sau 5 ngày.