ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật VNU –HCM) – Qua nghiên cứu bài viết “Một người kế thừa tố tụng của nguyên đơn vắng mặt lần thứ 2 có thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” của tác giả Huỳnh Văn Sáng đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 22/7/2021, tôi xin có ý kiến trao đổi.
Đầu tiên, trong vụ án có nhiều người khởi kiện mà có cùng chung một yêu cầu đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì những người này được xem là đồng nguyên đơn. Ngược lại, vụ án được xem là có nhiều nguyên đơn là khi có nhiều người khởi kiện mà mỗi người có yêu cầu độc lập với nhau đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức và được Tòa án nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án (Điều 42 BLTTDS 2015). Như vậy, trong vụ án nêu trên có thể thấy những người thừa kế kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng khi nguyên đơn là cá nhân chết được xác định là đồng nguyên đơn. Khi tham gia tố tụng, các đồng nguyên đơn được hưởng quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn và có thể uỷ quyền cho một người trong số họ thay mặt mình để tham gia tố tụng.
Liên quan đến vấn đề mà bài viết nêu lên là “khi một trong số đồng nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai nhưng không tham gia phiên hòa giải, không có đơn xin hòa giải, xét xử vắng mặt, cũng như không có ủy quyền lại cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng khác đại diện tham gia tố tụng có phải là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không?”, có thể thấy do pháp luật tố tụng hiện nay chưa có quy định rõ ràng nên việc tồn tại nhiều quan điểm khác nhau là điều không thể tránh khỏi.
Trong bài viết, tác giả cũng đặt ra hai vấn đề tương ứng với hai quan điểm khác nhau: một là, Tòa án có đình chỉ giải quyết vụ án hay không?; và hai là, nếu Tòa án đình chỉ thì đình thì đình chỉ như thế nào, đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện hay đình chỉ toàn bộ vụ án? Nếu đình chỉ một phần thì chưa có căn cứ để áp dụng, nếu đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án thì quyền lợi của các đồng nguyên đơn khác không được đảm bảo. Cuối cùng, tác giả của bài viết đã theo quan điểm thứ hai là sẽ đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án, cụ thể như sau: “việc một trong các đồng nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt khi không có đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì vẫn được xem là trường hợp nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai và là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Bởi vì, theo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai là điều kiện để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, như vậy nguyên đơn có thể là một người hoặc nhiều người mà trong tình huống trên do anh G là người kế thừa tố tụng của ông A, không thể tách anh G để khởi kiện bằng một vụ án khác nếu anh G có yêu cầu nên vụ án trên phải được đình chỉ theo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015”.
Đối với vấn đề này tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả bởi lẽ việc viện dẫn lý do chưa có căn cứ pháp lý để áp dụng mà đưa ra quyết định ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Cụ thể, pháp luật dân sự và tố tụng dân sự quy định trong trường hợp vụ việc chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án có thể căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân (Điều 5, 6 BLDS 2015; Điều 4, 45 BLTTDS 2015).
Thêm nữa, nếu trong trường hợp này Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (căn cứ vào Điều 217 BLTTDS năm 2015) thì theo quy định tại khoản 1, Điều 218 về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong cùng Bộ luật, đương sự vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó. Cho nên, sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án không thể từ chối thụ lý giải quyết vụ án nếu các đồng nguyên đơn khác khởi kiện lại vụ án. Do vậy, có thể thấy rằng việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chỉ khiến cho đương sự mất thêm thời gian, công sức, tiền bạc,… cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Bởi vì những lẽ đó, thiết nghĩ các Tòa án cần quán triệt nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Theo đó, ví dụ Tòa án có thể hướng dẫn các đồng nguyên đơn không thể tham gia tố tụng ủy quyền cho một người trong số họ thay mặt mình tham gia. Nếu họ không tham gia tố tụng, cũng không ủy quyền cho các đồng nguyên đơn khác như trong tình huống đặt ra thì Tòa án cũng không nên đình chỉ giải quyết vụ án mà vẫn nên tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung vì những lý do đã trình bày ở trên.
Tuy nhiên, về lâu dài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nhằm đảm bảo cho việc xét xử đúng pháp luật, thống nhất từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn xét xử cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những đọc giả có quan tâm.