Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển và đứng vững trong thị trường cần phải có đủ năng lực để tạo ra giá trị mới, cung cấp hàng hóa và dịch vụ ra thị trường. Những thông tin hữu ích như vậy chính là “bí mật kinh doanh”, các đối thủ cạnh tranh thường tìm ra cách thức để tiếp cận những thông tin này. Để ngăn chặn sự suy giảm hay mất đi lợi thế cạnh tranh do những thông tin này bị đánh cắp, một công ty thành công phải biết bảo vệ tài sản.
Trong bài viết này, hãy cùng pháp luật bản quyền nhìn lại những vụ tranh chấp về bí mật kinh doanh nổi tiếng. Qua đó, rút ra những bài học về việc bảo hộ bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Vụ tranh chấp về bí mật kinh doanh công thức pha chế đồ uống
Năm 1987, tòa án Mỹ đã thụ lý vụ kiện khá nổi tiếng giữa Tony Mason và Jack Daniel Distillery trong lĩnh vực bảo hộ bí mật kinh doanh.
Tony Mason là chủ nhà hàng đã sáng tạo ra công thức pha chế một thứ đồ uống hỗn hợp được đặt tên là Lynchburg Lemonade với thành phần bao gồm rượu whiskey mà ông ta đã mua của Jack Daniel Distillery – loại dịch chất mang tên triple sec – Loại nước giải khát có ga mang nhãn hiệu Seven up. Loại nước giải khát hỗn hợp này được Mason bán tại các quầy hàng của mình và đã trở nên rất được ưa chuộng.
Sau một thời gian, Winston Randle – đại diện kinh doanh của Jack Daniel, do nhiều lần đến uống Lynchburg Lemonade tại nhà hàng của Mason, đã tìm hiểu được công thức pha chế ra nó và đã thông tin cho ông chủ của mình. Khoảng một năm sau, Jack Daniel đã phát triển cuộc vận động trên quy mô quốc gia về loại đồ uống này. Mason đã kiện Daniel và Randle về sự biển thủ bí mật kinh doanh bởi ông ta không nhận được bất kì khoản tiền đền bù nào đối với việc sử dụng Lynchburg Lemonade từ phía các bị đơn.
Các thẩm phán ở hai cấp toà án sơ thẩm và phúc thẩm của Mỹ đã vận dụng các đạo luật về chống cạnh tranh không lành mạnh về bí mật kinh doanh cùng với các quan điểm về sự biển thủ bí mật kinh doanh để xử vụ kiện này. Họ thấy thực tế là Tony Mason đã có những nỗ lực trong việc sử dụng thời gian và tiền bạc để tạo ra công thức pha chế Lynchburg Lemonade. Ông ta đã tạo nên mặt hàng riêng cho mình là một thứ đồ uống hỗn hợp. Mason cũng đã có quá trình rất cố gắng để làm cho loại đồ uống này trở nên rất đặc biệt, chỉ được bán riêng ở các quầy hàng thuộc nhà hàng của ông ta. Mason cũng đã chứng minh được loại đồ uống này đã mang lại lợi nhuận rất lớn, nó chiếm tới 1/3 trên tổng số doanh thu của việc bán các loại rượu bia ở nhà hàng của ông ta và như vậy, nó cũng trở nên có giá trị đối với các đối thủ cạnh tranh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, mason cũng đã được kiểm chứng để xác nhận rằng ông ta chỉ nói với một số người làm công ở nhà hàng của ông ta về công thức pha chế Lynchburg Lemonade và đã đặc biệt hướng dẫn họ về việc không được để lộ công thức này cho bất kì người nào khác. Ngoài ra, để đảm bảo cho việc khách hàng không thể biết được công thức đó, ở nhà hàng của Mason, Lynchburg Lemonade luôn được tiến hành pha trộn từ phía sau, sau đó mới mang ra theo yêu cầu của khách hàng. Mason đã rất thành công trong việc giữ bí mật công thức pha chế này cho đến khi nó bị Randle phát hiện ra. Kết quả là Lynchburg Lemonade của Tony Mason đã được toà án kết luận là bí mật kinh doanh và Mason đã giành được khoản tiền bồi thường khá lớn trong vụ kiện này.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là khi có tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên về sự xâm phạm bí mật kinh doanh thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật để khẳng định thông tin đó có thực sự là bí mật kinh doanh hay không, từ đó mới có thể xác định hành vi vi phạm bí mật đó trong thực tế đã xảy ra như thế nào, cùng những tổn thất mà sự vi phạm đó đã gây ra cho bên bị vi phạm.
Vụ đánh cắp bí mật kinh doanh Coca-Cola
Tại công ty Coca-cola, giữ bí mật là phương châm sống trong văn hóa doanh nghiệp. Người lao động thường xuyên bị kiểm tra an ninh. Camera giám sát từng milimét văn phòng làm việc. Và viên kim cương quý nhất của họ, công thức thứ đồ uống Coke nguyên gốc, được khóa trong một két sắt trị giá nhiều triệu đôla; chỉ có hai người trên quả đất này biết cách mở nó, và họ sẽ phải đi trên các chuyến bay khác nhau khi di chuyển, phòng trường hợp có chuyện xấu xảy ra.
Trong công ty cô Joya Williams là một nhân viên gương mẫu.Cuối năm 2005, Williams được bạn bè giới thiệu một người tên là Edmund Duhaney, Williams nói với Duhaney rằng cô đang nắm trong tay hàng loạt “tài liệu tuyệt mật” của Coca-Cola – thứ mà công ty đối thủ Pepsi sẵn sàng trả tiền để mua lại. Tuy nhiên, vì đã ký thỏa thuận bảo mật nên cô không thể tự mình giao dịch được.Duhaney đã giới thiệu người bạn thân trong tù Dimson cho Williams. Sử dụng bí danh “Dirk”, Dimson gửi một lá thư (bằng phong bì chính thức của Coca-Cola) tới Phó Chủ tịch Cấp cao của Pepsi. Hắn tự xưng mình là giám đốc cấp cao tại Coca-Cola và nắm trong tay rất nhiều tài liệu kinh doanh “cực kỳ tuyệt mật”.
Bức thư viết:
“Gửi Pepsi,
Tôi đã nắm giữ các tài liệu tuyệt mật mà chỉ một vài giám đốc chủ chốt trong công ty tôi được biết. Tôi thậm chí có thể cung cấp một số sản phẩm thực tế và mẫu bao bì của chúng mà chưa ai từng thấy, ngoại trừ 5 vị giám đốc kia.
Tôi mong được giao chúng cho người trả giá cao nhất. Lời đề nghị độc nhất này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 tuần.
Ngài có thể liên lạc với tôi theo số…
DIRK”
2 tuần sau, trong sự vui mừng của Joya Williams, Dimson nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của PepsiCo “Jerry”. Người này bày tỏ sự hứng thú và hỏi Dimson rằng liệu hắn có thể đưa ra bằng chứng cho lời đề nghị của mình không.Dimson đã gửi cho Jerry 14 trang tài liệu của Coca-Cola qua fax – tất cả đều được đóng dấu “thông tin tuyệt mật” hoặc “thông tin nội bộ”. Hắn muốn Jerry chuyển tiền tới một tài khoản ngân hàng được chỉ định để cho chứng tỏ rằng ông là một “đối tác nghiêm túc”.
Vào một tối muộn tại trụ sở của Coca-Cola ở Atlanta, Williams nhét vào trong túi xách các hồ sơ tài liệu tuyệt mật và một lọ nhỏ đựng sản phẩm “bí mật” đang được phát triển của công ty.Sau đó, những thứ này được chuyển cho Dimson – người đã nhanh chóng thuyết phục Jerry mua nó với giá 75.000 USD, trong đó có 30.000 USD trả trước và 45.000 USD trả sau khi đã kiểm hàng.
Đến tầm giữa tháng 6, cả hai gặp nhau tại Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta. Tại đây, Dimson đã trao cho Jerry một chiếc túi duffle hiệu Armani Exchange chứa đầy tài liệu mật để đổi lấy hộp bánh quy có tiền bên trong.Dimson rời sân bay, lên một chiếc xe mà Duhaney đã chờ sẵn và lái tới Decatur, Georgia – nơi họ sẽ chia số tiền này cho nhau: 2.000 USD cho Duhaney, 6.000 USD cho Williams và một khoản lớn cho bản thân Dimson trị giá 22.000 USD.
Trên thực tế, Jerry không phải là giám đốc của Pepsi. Ông là Gerald Reichard – một đặc vụ FBI.Nhiều tháng trước, khi Pepsi nhận được bức thư mời gọi từ bộ ba kia, họ đã nhanh chóng chuyển nó cho Coca-Cola và thông báo rằng hãng có kẻ tuồn tin ra bên ngoài. Tiếp theo, Coca-Cola đã mang bằng chứng tới cho FBI để họ tiến hành điều tra bí mật.Vào ngày 7/5/2006, Williams, Dimson và Duhaney đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo qua thư tín điện thoại, trộm và bán các bí mật kinh doanh.
Có thể thấy, bí mật kinh doanh của các công ty được bảo vệ một cách vô cùng cẩn trọng bằng nhiều phương pháp khác nhau như:công thức được khóa trong một két sắt trị giá nhiều triệu đôla; chỉ có hai người trên quả đất này biết cách mở nó, và họ sẽ phải đi trên các chuyến bay khác nhau khi di chuyển, phòng trường hợp có chuyện xấu xảy ra
Bảo hộ bí mật kinh doanh với các doanh nghiệp Việt
Đối với một số công ty lớn, việc bảo vệ bí mật kinh doanh của mình là một hoạt động mang tính sống còn đối với sản phẩm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, trường hợp của doanh nghiệp Công ty Rượu và Nước giải khát Anh Đào. Ông Vũ Mạnh Hào – Giám đốc điều hành Công ty cho biết, để giữ bí quyết kinh doanh, ông thiết kế hẳn một quy trình bảo mật và chia thành nhiều phần. Trong quy trình công nghệ, ông Hào cắt ra một công đoạn quan trọng nhất và chỉ một mình ông nắm giữ công thức.
Công thức chế biến cà phê Trung Nguyên cũng được bảo vệ khá kỹ. Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, từng công đoạn, từ hương liệu, nhiệt độ cho tới khâu tẩm ướp nguyên liệu được giao cho nhiều người nắm giữ. Ban đầu, vị giám đốc này chịu trách nhiệm quản lý công đoạn quan trọng nhất trong 7 bước chế biến, song công việc ngày càng bận rộn, ông phải lựa chọn người có uy tín để chuyển giao.
Việc chọn người để nắm giữ các khâu quan trọng trong quy trình công nghệ được ông Vũ đặc biệt quan tâm. Đó phải là những người có tài, có đức và biết coi trọng chữ tín. Trung Nguyên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ và tăng cường ý thức trách nhiệm của họ đối với việc gìn giữ bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên Vũ, vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh ở Việt Nam còn khá mới mẻ và việc ăn cắp bí quyết kinh doanh đang diễn ra ngày một tinh vi hơn. Trung Nguyên cũng từng không ít lần phải đối mặt với vấn nạn này.Ông Vũ kể, từng có nhân viên của ông đã bị mua chuộc và chia sẻ thông tin cho đối thủ. Tuy nhiên, do những người này chỉ nắm một phần trong quy trình công nghệ nên công ty vẫn giữ được bí quyết riêng của mình. Có nhiều trường hợp đối thủ cho nhân viên đi sưu tầm những đồ đựng hương liệu, vỏ hộp đựng cà phê về để nghiên cứu với mong muốn nhái sản phẩm của Trung Nguyên.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ôtô VinaXuki, với những doanh nghiệp lớn, công nghệ sản xuất là bí mật kinh doanh, do đó việc chuyển giao công nghệ được thực hiện rất chặt chẽ. Trước khi hợp tác với công ty ông, tập đoàn ôtô Hoa Thần Trung Quốc cử chuyên gia sang khảo sát năng lực nhà máy tại Việt Nam, ngoài ra VinaXuki còn phải cử nhiều đoàn kỹ sư sang Trung Quốc thuyết trình phương án sản xuất tiếp nhận công nghệ. Ngoài số tiền lên tới hàng triệu USD trả cho đối tác Trung Quốc, hiện nhà máy của ông Huyên vẫn phải thuê 3-4 chuyên gia nước ngoài sang thực hiện những khâu quan trọng mà phía VN chưa thể đảm nhận được.
Với những cơ sở sản xuất nhỏ, việc bảo vệ bí mật kinh doanh thường chỉ nằm ở quy mô gia đình, cha truyền con nối. Anh Bùi Đức Thắng, chủ một xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ tại Hà Tây, cho hay cơ sở của anh sản xuất hàng sơn mài, cẩn trứng, sơn tre xuất khẩu, mỗi nhân công làm thuê được hướng dẫn một vài công đoạn, việc hoàn thiện sản phẩm cuối cùng thường do người trong gia đình anh đảm nhiệm nên ít khi lo lộ kỹ thuật.Tuy nhiên, những hoạt động thực tế nói trên chỉ được ưu tiên và đầu tư nghiên cứu, thực hiện bởi những doanh nghiệp, công ty lớn, có sự ảnh hưởng và tầm quan trọng đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Ở một khía cạnh khác, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang và có xu hướng tiếp tục xem nhẹ việc bảo hộ bí mật kinh doanh này. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa thể lường trước hết được các tình huống có thể xảy ra trên thực tế, dù xuất phát từ nguyên nhân cho rằng họ chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, lẻ.
Trong bài viết kỳ sau, Pháp luật bản quyền sẽ chỉ ra những hành vi được cho là xâm phạm bí mật kinh doanh, đồng thời đưa ra những cách thức để bảo hộ bí mật kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam.
Theo phapluatbanquyen.phaply.vn