Với chiến thắng ngày 30/4 của quân đội nhân dân Việt Nam, đã đánh dấu một trang sử vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng. Từ đây đất nước Việt Nam được hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Trong những ngày tháng tư lịch sử, tôi được tham gia cùng Hội Luật Gia thành phố Thủ Đức trong hành trình về thăm địa chỉ đỏ cách mạng gồm Đền Bến Dược và Địa đạo Củ Chi. Thông qua những tài liệu lịch sử tôi cũng đã biết về khu vực địa đạo Củ Chi. Tuy nhiên khi trực tiếp đến đây mới hiểu hết được quy mô rộng lớn của một công trình quân sự trong lòng đất.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được quân kháng chiến Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, dài khoảng 250 km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh, trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép” để ca ngợi ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, quân Giải phóng miền Nam đã xuất phát từ hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn.
Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Cũng có ý kiến cho rằng việc đào địa đạo khởi đầu do dân cư khu vực này tự phát thực hiện vào năm 1948.
Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng, sau đó do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp, về sau phát triển rộng ra nhiều nơi, nhất là 6 xã phía Bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn hầm, địa đạo được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể liên lạc, hỗ trợ nhau.
Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là “xương sống”, sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông… được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.
Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 5-8 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí,…
Sau chiến tranh, khu địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Trong 20 năm hoạt động, khu di tích đón hơn 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.[1] Ngày 12 tháng 2 năm 2016, khu di tích đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Nghiên cứu của giáo sư Kenneth đã phác họa lại quá trình bộ đội Việt Nam cuốc đất đào hầm ở Củ Chi trong mùa gió nổi những năm 1960. Từ thực tiễn tiếp cận địa chất, kết hợp với các nghiên cứu trước đây của các nhà địa chất Pháp, ông nhận ra rằng, hệ thống địa đạo dài 250km vững vàng là nhờ kết cấu tự nhiên và thành phần của tầng đất phù sa cổ. Địa đạo bắt đầu từ đường mòn Hồ Chí Minh và khu vực biên giới Campuchia đến ngoại thành Sài Gòn.
Đất hầm chủ yếu là đất sét không kết tinh, còn lại là cát và bùn. Điều này có nghĩa là hàm lượng sắt đóng vai trò như một chất kết dính. Khi khô lại, đất này chắc như bê tông và không bị thấm nước. Ở chỗ gần mạch nước ngầm, đất có hàm lượng sắt cao hơn, tạo ra các lớp sỏi và đá ong.
Thời điểm đào hầm tốt nhất là vào mùa mưa ở Việt Nam (tháng Năm đến tháng Mười). Đất có độ ổn định cao mà không có lớp lót hoặc lớp phủ, chắc như bê tông sau khi khô lại, có thể chịu được các vụ nổ liền kề. Vùng Tam Giác Sắt nằm trong 103km2 rừng nhiệt đới và lớp thực vật dày, bao phủ lên một hệ thống phức tạp các địa đạo và boong-ke, cách tây bắc Sài Gòn khoảng 80km. Vùng Củ Chi cách 40km Sài Gòn về phía tây và có diện tích khoảng 51km2. Địa đạo được đào ở độ sâu từ 1,5-20m, ở vùng Old Alluvium, nơi có mực nước ngầm thấp.
Giai đoạn 1966-1968, chiến dịch ném bom B52 tại Củ Chi và vùng Tam Giác Sắt đã làm lộ ra một số cửa hầm khiến bộ đội phải sửa lại nhiều lần. Tuy vậy, hệ thống địa đạo này vẫn kiên cường bảo vệ lực lượng du kích trước các chiến dịch quân sự của Mỹ. Đến năm 1969, chiến dịch rải thảm bom mới làm sập một số hầm trong địa đạo.
Với vị trí chiến lược Địa đạo Củ Chi là căn cứ cách mạng quan trọng để góp phần xây dựng một thành phố Hồ Chí Minh anh hùng như ngày hôm nay.
Luật sư Lê Đình Lý