Căn cứ pháp lý
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Các luật chuyên ngành có liên quan
Khái niệm hợp đồng cho vay tài sản
Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa về Hợp đồng vay tài sản như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, Hợp đồng vay tài sản có các đặc điểm:
- Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản một cách tạm thời: bên vay chỉ có quyền định đoạt như một chủ sở hữu của tài sản trong thời hạn nhất định mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng. Kết thúc thời hạn này, bên vay phải trả lại tài sản cho bên cho vay.
- Hợp đồng vay tay sản có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù, tuỳ vào các bên có thoả thuận về lãi suất không.
- Tuỳ vào thời điểm hợp đồng có hiệu lực mà hợp đồng vay tài sản có thể là hợp đồng song vụ hoặc hợp đồng đơn vụ: Nếu hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi ký thì bên cho vay có nghĩa vụ giao tiền, bên vay có nghĩa vụ trả tiền. Nếu các bên thoả thuận thời điểm hợp đồng có hiệu lực là sau khi bên cho vay đã giao tiền thì chỉ còn tôfn tại nghĩa vụ của bên vay.
Các điều khoản cơ bản trong hợp đồng
– Thông tin các bên tham gia: Thông thường đối với một quan hệ hợp đồng vay tài sản thi sẽ có hai bên tham gia giao kết hợp đồng bao gồm bên cho vay và bên vay. Tuy nhiên trên thực tế, để đảm bảo quyền lợi đối với bên cho vay thì bên cho vay thường yêu cầu bên vay có biện pháp bảo đảm, một trong những biện pháp bảo đảm được áp dụng nhiều nhất đó là bảo lãnh và thế chấp. Do đó, ngoài bên cho vay, bên vay thì hợp đông vay tài sản còn có thêm bên nhận bảo lãnh hoặc bên thế chấp.
– Thông tin về tài sản cho vay: Điều khoản này còn có thể coi là quy định về đối tượng của hợp đồng. Các bên cần phải quy định chi tiết điều khoản này, phải ghi nhận rõ tài sản cho vay là gì, đúng số lượng, chất lượng và giá trí tài sản tại thời điểm cho vay.
– Giá vay tài sản: Các bên tự do thỏa thuận giá vay đối với tài sản. Giá vay tài sản có thể thỏa thuạn theo thời gian vay như giờ, ngày, tháng hoặc năm. Ngoài ra các bên nên thỏa thuạn cụ thể về phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán.
– Lãi suất: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận là có hay không áp dụng lãi suất vay. Trường hợp áp dụng lãi suất vay thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Lưu ý: Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay.
– Sử dụng tài sản vay: Các bên có thể thỏa thuận về mục đích vay tài sản và việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
– Quyền và nghĩa vụ của các bên: Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ nên điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên bắt buộc phải có. Trên quy định của pháp luật dân sự tại Điều 465, 466 thì các bên thỏa thuận và ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Lưu ý: Quyền sở hữu đối với tài sản vay sẽ được chuyển giao sang bên vay từ thwoif điểm bên vay nhận tài sản đó.
– Thời hạn vay: Hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật thì có hai loại đó là hợp đồng vay không kỳ hạn và hợp đồng vay có kỳ hạn. Tùy vào thỏa thuận của các bên mà xác định loại hợp đồng vay tài sản, trường hợp là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn thì phải ghi rõ thời hạn trong hợp đồng.
– Các thỏa thuận khác: Các bên khi tham gia và quan hệ hợp đồng vay tài sản có thể tự do thỏa thuận các điều khoản khác để đảm bảo quyền lợi của các bên, như:
- Thỏa thuận về thời điểm, địa điểm, phương thức giao tài sản;
- Thỏa thuận các trường hợp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng;
- Thỏa thuận thời điểm chấm dứt hợp đồng, điều kiện chấm dứt hợp đồng;
- Thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng: Ghi nhận rõ mức phạt vi phạm nhưng lưu ý mức phạt vi phạm hợp đồng không được vượt quá 8% tổng giá trị hợp đồng;
- Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp: Ghi nhận rõ cơ quan giải quyết tranh chấp và hình thức giải quyết tranh chấp;
- Thỏa thuận về sửa đổi, bổ sung và điều khoản thi hành.
Lưu ý:
- Bên cho vay phải là chủ sở hữu tài sản.
- Đối với tài sản vay là tài sản chung (của vợ chồng, anh em thừa kế…) thì khi cho vay phải có sự chấp thuận của các đồng sở hữu, hoặc chỉ cho vay phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
- Hai bên có thể thỏa thuận về việc sử dụng tài sản của bên vay để đảm bảo cho việc trả đủ tiền hoặc tài sản mượn của bên cho vay, hoặc nhờ một bên thứ ba đứng ra đảm bảo (ví dụ: ngân hàng). Việc bảo đảm có thể được quy định như một điều khoản trong hợp đồng hoặc được lập thành một giao dịch bảo đảm riêng nhưng gắn với hợp đồng vay tài sản. Các bên lưu ý về đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan nhà nước.
- Các bên có thể công chứng hoặc chứng thực hợp đồng vay tài sản nếu có yêu cầu, đặc biệt với trường hợp giá trị hợp đồng lớn. Việc tiến hành công chứng sẽ được tiến hành theo quy định tại Điều 40 Luật công chứng năm 2014.
Nguồn: Sưu tầm
#NhưNgọc