1. Tranh chấp đất đai là gì?
Tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp phổ biến, phức tạp nhất hiện nay. Để giải quyết tranh chấp đất đai, cần phải xác định được các dạng tranh chấp đất đai phổ biến. Việc xác định chính xác dạng tranh chấp đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chính xác việc đương sự có quyền khởi kiện tranh chấp tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự hay thủ tục tố tụng hành chính, tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân hay Ủy ban nhân dân, xác định thời hiệu khởi kiện, đồng thời là cơ sở để xác định trình tự, thủ tục và đường lối giải quyết tranh chấp.
Quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai
Đặc điểm của tranh chấp đất đai:
+ Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp;
+ Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;
+ Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà Nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.
2. Các dạng tranh chấp đất đai
Chủ yếu có 3 dạng về tranh chấp đất đai như sau:
Thứ nhất, tranh chấp về quyền sử dụng đất
Tranh chấp đất đai về quyền sử dụng đất là những tranh chấp giữa các bên với nhau về việc ai có quyền sử dụng hợp pháp đối với một mảnh đất nào đó? Trong dạng tranh chấp này, thường gặp các loại tranh chấp về ranh giới đất; tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong các quan hệ ly hôn, thừa kế; tranh chấp đòi lại đất (đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại, hoặc tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới…); tranh chấp về quyền sử dụng đất có liên quan đến tranh chấp về địa giới hành chính.
Thứ hai, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Dạng tranh chấp này thường xảy ra khi các chủ thể có những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất như tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc các tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…
Thứ ba, tranh chấp về mục đích sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp ít gặp hơn, những tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì?Thông thường những tranh chấp này có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Tranh chấp chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
3. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai
Nguyên nhân khách quan
Thực tế giao dịch đời sống hiện nay thì đất đai có giá trị rất cao; là tài sản lớn của nhiều gia đình. Hiện nay; khi nền kinh tế nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ; Nhà nước thực hiện việc cải cách về đất đai và giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân cơ quan tổ chức. Trong trường hợp đó; giữa người sử dụng đất và người khác có tranh chấp đất đai về giao dịch chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho…
Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa cùng với sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong xã hội… Ngoài ra; còn có nguyên nhân do hoàn cảnh lịch sử để lại. Khi nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa; quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; quan hệ pháp Luật đất đai vốn phong phú; đa dạng lại càng trở nên đa dạng; phức tạp hơn.
Nguyên nhân chủ quan
Về cơ chế quản lý: Việc không sâu sát; kỹ càng trong hoạt động kiểm soát; điều chỉnh pháp luật về đất đai của Nhà nước ta trong giai đoạn vừa qua. Buông lỏng công tác quản lý đất đai của Nhà nước. Nhiều vụ việc tranh chấp kéo dài, không được xử lý triệt để. Đất đai có quá nhiều cơ quan quản lý và kiểm soát điều này dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” khi xảy ra sự vụ thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Về chính sách pháp luật, đất đai: Luật đất đai vẫn còn có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn của đất nước; nhất là các quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về thời hạn sử dụng đất; quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp; … Việc thực hiện chính sách bảo vệ đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa ổn định) với chính sách phát triển các khu công nghiệp; khu kinh tế; khu công nghệ cao; khu đô thị mới …còn bộc lộ sự mâu thuẫn; không tương thích.
Về cán bộ công chức thực hiện công vụ liên quan đến đất đai: xuất phát từ đặc trưng công tác quản lý nhà nước đất đai cho thấy; công tác cán bộ còn nhiều hạn chế bất cập; cán bộ năng lực kém; nhũng nhiều; chưa thực sự gương mẫu.
Việc tranh chấp đất đai ở mỗi địa phương còn có những nguyên nhân đặc thù. Việc tìm ra những nguyên nhân cụ thể của tranh chấp phải căn cứ vào thực tế sử dụng đất; phong tục tập quán của từng địa phương để có được những giải pháp tốt nhất cho từng vụ việc.
4. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên để tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai.
Theo Điều 203 Luật đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
– Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật đất đai 2013;
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.