1. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm là gì?
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là hành vi dùng những lời lẽ khó nghe, mang tính sỉ nhục, thô bỉ, nhục mạ nhằm để hạ thấp, chà đạp giá trị của người khác. Đồng thời làm giảm uy tín, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của đối phương.
2. Bị xúc phạm danh dự nhân phẩm thì nên tố cáo công an hay khởi kiện ra tòa?
Tại Điều 20 Luật Hiến pháp 2013 đã nêu rõ:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo đó, mọi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm. Người thực hiện hành vi làm nhục người khác có thể phải chịu các trách nhiệm sau:
– Bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng (khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021);
– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; mức phạt cao nhất là tư 02 – 05 năm tù).
– Bồi thường thiệt hại cho người bị làm nhục (Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015)
Trong đó, theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm phải gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa là không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cư trú (theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có quyền tố cáo đến cơ quan công an để điều tra và xử phạt hành chính. Trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. Mặt khác, nếu không muốn người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết yêu cầu bồi thường.
3. Khung hình phạt của hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác
Hình phạt chính
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu thuộc trường hợp sau: phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Cơ sở pháp lý: Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
4. Thủ tục tố cáo hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác
Khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh về việc có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm thì người dân có quyền làm Đơn tố cáo gửi cơ quan công an để được giải quyết kịp thời.
Thủ tục tố cáo hành vi làm nhục người khác thực hiện như sau:
Bước 1: Thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác
Chứng cứ, tài liệu có thể là hình ảnh, tin nhắn, file ghi âm, video… có liên quan đến hành vi làm nhục.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Khi tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo, tố giác tin báo tội phạm, cần chuẩn bị một số giấy tờ sau:
– Đơn tố cáo về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác;
– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
– Các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 3: Tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền
Người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm gửi đơn tố cáo tới một trong các cơ quan có thẩm quyền nêu trên, trong đó đơn giản nhất người dân có thể tới cơ quan công an nơi cư trú để tố cáo.
Thời gian giải quyết đối với các tin báo tội phạm thông thường là 20 ngày, với các vụ việc phức tạp có thể kéo dài thời gian nhưng không quá 02 tháng.
5. Thủ tục khởi kiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác
Căn cứ khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm Đơn khởi kiện, trong đó thể hiện các nội dung:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.
– Tên, nơi cư trú/trụ sở của bên khởi kiện; người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện được gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có hành vi xúc phạm danh dự thường trú hoặc tạm trú.
Theo đó, thời gian giải quyết thường kéo dài từ 06 – 08 tháng tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc.