1. Cơ sở pháp lý cấp giấy phép kinh doanh cầm đồ
– Luật doanh nghiệp 2020;
– Luật đầu tư 2020;
– Nghị Định số 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;
– Nghị định số 96/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
– Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật Phòng cháy chữa cháy;
– Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ
2.1 Điều kiện về người đứng đầu cơ sở kinh doanh cầm đồ
- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Người bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử;
- Người đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề có liên quan…
2.2 Điều kiện pháp lý liên quan
- Đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy;
- Đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội;
- Địa điểm kinh doanh không nằm trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ:
Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (trường hợp thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần).
– Các giấy tờ pháp lý của cá nhân là thành viên hoặc cổ đông sáng lập gồm giấy chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu còn giá trị sử dụng; đối với trường hợp thành viên hoặc cổ đông là tổ chức thì cần giấy tờ như bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc những tài liệu khác có giá trị.
– Trường hợp có ủy quyền thì cần văn bản ủy quyền.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Ngoài ra, có thể đăng ký trực tuyến qua Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết.
Bước 4: Công bố thông tin đăng kí kinh doanh:
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiến hành thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và trả phí theo quy định.
Nội dung công bố bao gồm: nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh; danh sách cổ đông/thành viên công ty,…
Doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp mình.
4. Thủ tục xin giấy phép an ninh trật tự:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở cầm đồ bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa.
– Bản khai lý lịch của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của tiệm cầm đồ (theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người có nhu cầu sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ các giấy tờ sau thì nộp đến cơ quan Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cách thức nộp hồ sơ:
– Nộp trực tiếp.
– Nộp qua đường bưu điện.
– Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Thời gian giải quyết trong vòng không quá 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Nếu như không thực hiệp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì cơ quan có trách nhiệm trả lời cho người có yêu cầu bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nguồn: Sưu tầm
Như Ngọc.