Hiện nay rất nhiều người có suy nghĩ rằng khi thuê Luật sư thì “cải thắng mới lấy tiền” hoặc là “làm xong việc mới lấy tiền”.
Xin thưa rằng:
Nghề Luật sư là nghề dịch vụ về pháp lý, nghề đụng chạm đến nền tư pháp của một đất nước. Luật sư hành nghề bằng kiến thức chuyên môn, lao động bằng chất xám. Vì vậy chi phí thuê Luật sư là giá trị ngày công lao động nghiên cứu hồ sơ tìm cách giúp thân chủ, trong bối cảnh thân chủ không hiểu biết pháp luật thì Luật sư đang làm thay thân chủ.
Chuyện thắng thua trong vụ án còn phụ thuộc vào các chứng cứ và rất nhiều yếu tố khác. Vì vậy chi phí thuê Luật sư được tính theo hai mức:
Mức một là chi phí cứng: bao gồm tiền công tác phí, tiền lệ phí, tiền ngày công lao động, tiền nghiên cứu hồ sơ, tiền tư vấn, tiền soạn thảo các loại văn bản đơn thư …
Mức hai là tiền thưởng thêm nếu thắng
Như vậy nếu vụ án bị thua thì thân chủ vẫn phải chi trả tiền theo mức một. Vì đó là những chi phí cố định để làm việc hàng ngày.
Ví dụ 01: cho dễ hiểu nhé:
Bạn bị bệnh nặng phải vào viện để khám chữa bệnh. Trường hợp Bác sĩ bó tay không chữa được thì bạn vẫn phải chi trả tiền viện phí, tiền xét nghiệm, tiền vật tư y tế…
Cuối cùng Bác sĩ nói “chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bó tay”…thì bạn vẫn phải chịu tất cả các chi phí khám chữa bệnh.
Ví dụ 02: một ông Huấn luyện viên bóng đá mà huấn luyện đội bóng đá liên tục thua thì CLB đó vẫn phải trả lương cho ông HLV … Trường hợp CLB bóng đá thấy ông HLV không phù hợp thì chấm dứt hợp đồng mà vẫn phải trả lương và bồi thường hợp đồng lao động.

Nghề Luật sư cũng vậy, khi tiếp cận hồ sơ. Các Luật sư cũng sẽ bỏ rất nhiều công sức để xem xét, nghiên cứu hồ sơ, liên hệ với các cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức khác để xác minh và làm việc. Vì vậy thời gian nghiên cứu hồ sơ, thời gian liên hệ với các cơ quan, cá nhân, chi phí đi lại, giao tiếp…đều tính vào chi phí mà các thân chủ phải trả cho Luật sư, như ví dụ về việc khám chữa bệnh đã nói ở trên.
Nghề Luật sư là nghề dịch vụ đặc biệt, lao động bằng chuyên môn, tư duy và chất xám … trên thế giới người ta bỏ ra nhiều chi phí để thuê Luật sư là thuê chuyên môn chất xám của Luật sư, góp sức tham mưu cho các thân chủ.
Vì vậy hãy hiểu đúng vai trò của Luật sư để bạn thấy rằng mọi chi phí là hợp lý. Cuộc sống không ai bỏ công sức, bỏ thời gian làm không cho người khác.
Dưới đây là các quy định của pháp luật về cách tính thù lao của Luật sư:
Căn cứ và phương thức tính thù lao của luật sư gồm:
Theo quy định tại Điều 55 Luật Luật sư 2006 thì căn cứ và phương thức tính thù lao như sau:
– Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây:
+ Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;
+ Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;
+ Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
– Thù lao được tính theo các phương thức sau đây:
+ Giờ làm việc của luật sư;
+ Vụ, việc với mức thù lao trọn gói;
+ Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án;
+ Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.
Tại Điều 56 Luật Luật sư 2006 quy định về thù lao chi phí trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau:
Điều 56. Thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý
- Mức thù lao được thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
- Tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý do các bên thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Tại Điều 57 Luật Luật sư 2006 quy định về thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng như sau:
Điều 57. Thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng
Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định thì thù lao của luật sư được chia thành 02 loại:
– Thù lao trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý;
– Thù lao trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo đó thì mức thù lao của luật sư như sau:
[1] Đối với trường hợp thù lao trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý:
– Mức thù lao được thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;
– Đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 18. Mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự
- Mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 55 của Luật luật sư và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Thời gian làm việc của luật sư do luật sư và khách hàng thỏa thuận.
- Khuyến khích văn phòng luật sư, công ty luật miễn, giảm thù lao luật sư cho những người nghèo, đối tượng chính sách.
Như vậy, đối với trường hợp luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở như sau:
Điều 3. Mức lương cơ sở
- Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
- a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
- b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng…
Như vậy, mức lương cơ sở từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, mức thù lao cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư là tối đa: 0,3 x 1.800.000 đồng/tháng x 1h = 540.000 đồng.
[2] Đối với thù lao trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP thì mức thù lao của luật sư trong trường hợp tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng như sau:
Mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 08 giờ làm việc.
Theo đó thì mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 x 1.800.000 đồng/tháng x 1h = 720.000 đồng.
Trong trường hợp, luật sư làm việc trong nhiều ngày, nhưng mỗi ngày thực hiện không đủ 08 giờ, thì số ngày làm việc của luật sư được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế của luật sư. Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) được tính như sau:
Nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 06 giờ thì tính thành ½ ngày làm việc.
Nếu số giờ làm việc lẻ từ 06 giờ trở lên thì tính thành 01 ngày làm việc.
Quy định về việc giải quyết tranh chấp về thù lao của luật sư như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Luật sư 2006 như sau:
Điều 59. Giải quyết tranh chấp về thù lao, chi phí, tiền lương theo hợp đồng lao động
- Việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến thù lao và chi phí của luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Việc giải quyết tranh chấp về tiền lương của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến thù lao của luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
# Luật sư tổng hợp