Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là một loại quyết định đặc biệt thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, được định nghĩa theo khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2010: “… là văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình”.
Thực chất, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là một loại quyết định hành chính đặc thù. Do đó, bên cạnh những dấu hiệu của một quyết định hành chính, quyết định buộc thôi việc còn có đặc thù là chỉ áp dụng với công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống. Như vậy phạm vi quyết định kỷ luật buộc thôi việc thuộc đối tượng bị khởi kiện chỉ giới hạn về chủ thể bị kỷ luật mà không phụ thuộc vào cơ quan làm việc của chủ thể đó. Theo đó công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống nếu bị kỷ luật buộc thôi việc và không đồng ý với quyết định kỷ luật đó đều có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Luật Tố tụng hành chính quy định rõ công chức chỉ được khởi kiện trong trường hợp bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định 6 hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức, gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Trong 6 hình thức kỷ luật này, chỉ có hình thức buộc thôi việc mới là đối tượng khởi kiện hành chính. Có nghĩa là các hình thức kỷ luật còn lại như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, công chức chỉ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại (Điều 21 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức) mà không được quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Về bản chất, quyết định kỷ luật buộc thôi việc chính là quyết định hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức áp dụng đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức mình. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của hình thức kỷ luật nặng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến đời sống của người bị buộc thôi việc, nên loại quyết định này được xem là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính nhằm bảo vệ quyền có việc làm của công chức theo pháp Hiến pháp và pháp luật.
Lưu ý: theo đoạn 2, khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ công chức năm 2008 thì: “Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc” hoặc tại khoản 1 Điều 59 Luật này cũng quy định công chức thôi việc “Do sắp xếp tổ chức”…
Đây là những trường hợp do năng lực, trình độ của công chức hạn chế, hoặc do nhu cầu sắp xếp tổ chức của cơ quan, đơn vị nên cơ quan, tổ chức cho thôi việc. Những trường hợp cho thôi việc này không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; công chức chỉ được quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình./.
Bài viết chỉ có giá trị để bạn đọc tham khảo. Chúng tôi phản đối việc sử dụng mọi thông tin trên trang web này vào mục đích khác khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của chúng tôi.