Quyết định Giám đốc thẩm số 92/2021/DS-GĐT ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao Đà Nẵng hủy bản án phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm về chia tài sản chung và chia di sản thừa kế.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG:
[1] Về nguồn gốc tài sản: quá trình chung sống, cụ D và cụ L có tạo lập được tài sản là quyền sử dụng đất có diện tích đất ở 1652,0 m2 tại Khu phố X, Phường V, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị, được Ủy ban nhân dân thị xã (nay là thành phố) Đ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 614729 ngày 13/01/2006 và tài sản trên đất là một ngôi nhà có diện tích 86 m2 theo nội dung Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 10/01/2020 của Tòa nhân thành phố Đ (bút lục 100,101). Như vậy, di sản của cụ D là ½ khối tài sản trên.
[2] Về hàng thừa kế: ngày 22/02/2007, cụ Nguyễn Hữu D chết (bút lục 02) và không để lại di chúc. Do đó, hàng thừa kế của cụ D theo pháp luật gồm: Cụ L (vợ), ông Ph, bà Ng, ông H, ông H1, bà H2 (các con chung) và bà L (con riêng) theo Đơn xin xác nhận ngày 06/8/2019 được Ủy ban nhân dân Phường V, thành phố Đ xác nhận (bút lục 06) và Tờ khai thừa kế có Ủy ban nhân dân Phường V chứng thực ngày 26/02/2020 (bút lục 03).
[3] Về yêu cầu khởi kiện: căn cứ vào Đơn khởi kiện ngày 25/9/2019 thì nguyên đơn là cụ Lê Thị L có hai yêu cầu Tòa án giải quyết, đó là chia tài sản chung của Cụ và Cụ D, đồng thời chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của cụ D để lại như trên (bút lục 01). Tại Đơn khởi kiện đề ngày 25/9/2019, cụ Lê Thị L khởi kiện ông Nguyễn Hữu H. Theo khoản 3 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:“Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện…”, do đó tại Thông báo về việc thụ lý vụ án số 167/2019/TBTL-VA ngày 04/10/2019, Tòa án nhân dân thành phố Đ xác định ông Nguyễn Hữu H là bị đơn là đúng với quy định trên và ngày 22/10/2019, Tòa án đã tống đạt Thông báo thụ lý vụ án nêu trên cho ông Nguyễn Hữu H (bút lục 22). Theo quy định tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Dân sự: “Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung…”; theo quy định của Bộ luật Dân sự, tại Điều 614:“Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”, tại khoản 2 Điều 660:“Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật, nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia”, tại khoản 1 Điều 623:“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản…”; từ những quy định trên cho thấy cụ L có quyền yêu cầu chia tài sản chung, chia di sản; đây là quyền dân sự được pháp luật bảo vệ và cụ L có quyền khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 186 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[4] Việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định:“Hiện tại khối tài sản gồm nhà và đất hoàn toàn do bà Lê Thị L quản lý, sử dụng. Chưa có thành viên nào trong gia đình tranh giành đòi chia tài sản và chưa có thành viên nào có hành vi ngăn cản hay không đồng ý việc bà L thực hiện việc phân chia hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất…. Do đó, quyền lợi của bà L chưa bị xâm phạm, theo quy định tại khoản 1 Điều 4; Điều 186 BLTTDS thì bà Lê Thị L chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự” là có sự sai lầm trong việc hiểu và áp dụng pháp luật như đã phân tích trên, cũng như không phù hợp với quy định về điều kiện khởi kiện tại điểm b khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự, theo đó chưa đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án còn thiếu một trong các điều kiện đó.
[5] Tương tự, đối với nhận định của Tòa án phúc thẩm cho rằng:“Tại biên bản ghi lời khai ngày 21/01/2021 và biên bản làm việc ngày 15/3/2021 (có xác nhận của chính quyền địa phương) bà L khẳng định không khởi kiện đứa con nào hết. Bà chỉ yêu cầu phân chia tài sản cho bà để đảm bảo cuộc sống hiện tại, việc khởi kiện ông H sau này đến cấp phúc thẩm bà L mới biết” là cũng không chính xác, chưa kể đến, tại nội dung Biên bản làm việc ngày 15/3/2021 (bút lục 215), cụ L còn trả lời các câu hỏi khác của Thẩm phán, cụ thể như sau:“Vì sao bà khởi kiện ra Tòa án? Vì khởi kiện mới phân chia tài sản được”;“Vì sao bà khởi kiện bị đơn anh H? Vì H và Ng là 02 người không đồng ý. Tôi điện không được cho H và H không liên lạc với tôi. Tôi chỉ nghe Ng nói là H không đồng ý” và tại nội dung Đơn đề nghị xét xử nhanh vụ án tranh chấp chia tài sản chung và chia di sản cụ L đề ngày 22/01/2021 (bút lục 217) gửi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, cũng thể hiện:“Sau khi suy nghĩ kỹ lại tôi thấy rằng trước đây việc này đã được hòa giải trong gia đình rất nhiều lần, Tòa án thành phố Đ cũng đã hòa giải nhưng không thành dẫn đến vụ án này đã kéo dài hơn một năm. Nay Tòa án Tỉnh có muốn hòa giải nữa e cũng vậy mà thôi, chỉ tốn thêm thời gian. Tôi nay tuổi đã cao, sức yếu và rất nhiều bệnh tật, cần có tiền để chữa bệnh, trang trải trong cuộc sống của tôi và đặc biệt là không muốn phụ thuộc và cá nhân nào, đồng thời tôi cũng rất muốn phân định rõ ràng tài sản cho từng thành viên trong gia đình phòng sau nay khi tôi có vấn đề gì sẽ xảy ra nhiều việc không hay ảnh hưởng đến gia đình”; qua đó cho thấy việc trích dẫn nêu trên của Tòa án cấp phúc thẩm là không đầy đủ, toàn diện, không thể hiện đúng ý chí của nguyên đơn.
[6] Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật, đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, đúng hàng thừa kế cũng như di sản; đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của những đương sự về việc giao phần di sản mà họ được hưởng cho cụ L (các ông, bà Ph, H1, H2, L đồng ý với bản án sơ thẩm). Đối với phần di sản mà ông H và bà Ng được hưởng, Tòa án đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, đo vẽ và chia phần hiện vật cho ông H, bà Ng đảm bảo thi hành án, đất có lối đi, tứ cận rõ ràng.
Từ những phân tích trên, cho thấy Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/DS-ST ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị và đình chỉ giải quyết vụ án là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy cần chấp nhận Quyết định kháng nghị số 34/KN-DS ngày 30/8/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
[7] Về án phí: Do hủy Bản án dân sự phúc thẩm nên người kháng cáo là bà Nguyễn Thị Thu Ng phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 6, khoản 7, Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.
quyet dinh giam doc 92 cua toa cap cao da nangXem bản full tại đây: Quyết định Giám đốc thẩm số 92/2021/DS-GĐT ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao Đà Nẵng hủy bản án phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm về chia tài sản chung và chia di sản thừa kế.