1. Khái niệm của mã số, mã vạch
– Mã số là một dãy con số được ký hiệu dùng để phân định hàng hoá, chứng minh về nơi xuất xứ, phân biệt hàng hóa của các nhà sản xuất khác nhau. Được áp dụng trong quá trình luân chuyển hàng hóa từ người sản xuất, qua bán buôn, lưu kho, phân phối, bán lẻ tới khi đến tận tay người tiêu dùng.
– Mỗi một loại hàng hóa sẽ được gắn với một dãy số duy nhất, được xem là một sự phân biệt hàng hóa trên từng vùng, từng quốc gia khác nhau.Tuy nhiên mã số của hàng hóa không liên quan đến đặc điểm của hàng hoá, nó cũng không phải là số có tác dụng phân loại hay đánh giá chất lượng của hàng hoá.
– Mã vạch là một dãy các vạch đậm, nhạt, dài, ngắn khác nhau và khoảng trống song song được đặt xen kẽ được sắp xếp theo một quy tắc mã hóa nhất định. Cách sắp đặt này thể hiện mã số hoặc cả chữ lẫn số dưới dạng các thiết bị đọc có gắn đầu Laser (Scanner) nhận và đọc được.
2. Các loại mã số, mã vạch được cấp và quản lý
Các loại mã số, mã vạch được cấp và quản lý thống nhất gồm:
- Mã doanh nghiệp;
- Mã số rút gọn (EAN 8);
- Mã số địa điểm toàn cầu (GLN).
Các loại mã số, mã vạch do tổ chức/doanh nghiệp tự lập để sử dụng, sau khi được cấp mã số doanh nghiệp, gồm:
- Mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN);
- Mã số địa điểm toàn cầu (GLN);
- Các loại mã số cho đơn vị hậu cần, tài sản hoặc đối tượng khác khi có nhu cầu sử dụng.
3. Lợi ích khi sử dụng mã số mã vạch
Đa phần các sản phẩm được tung ra thị trường đều có mã số mã vạch để đảm bảo hàng hóa có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, việc áp dụng mã số mã vạch lên sản phẩm đem lại nhiều lợi ích cho bên sản xuất, bán hàng, quản lý như sau:
– Đăng ký mã số mã vạch giúp mở rộng hoạt động kinh doanh
Mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm đều mong muốn có thể bán được hàng, đem về lợi nhuận. Và một trong những cách để làm được điều đó chính là đưa sản phẩm vào siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, nơi tập trung nhiều khách hàng mục tiêu. Vậy phải làm thế nào để đưa sản phẩm của mình vào được siêu thị? Câu trả lời chính là đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm.
– Tăng năng suất phục vụ bán hàng tự động
– Giúp công việc tại quầy thu ngân được nhanh chóng, chính xác trong việc tính tiền và làm hóa đơn phục vụ khách hàng.
– Phục vụ việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chi tiết và chính xác nhất.
– Phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thêm chặt chẽ.
– Phục vụ trao đổi dữ liệu điện tử nhanh chóng.
– Tiết kiệm được chi phí, nhân lực, thời gian trong các khâu kiểm kê và tính toán.
– Đăng ký mã số mã vạch thỏa mãn nhu cầu khách hàng
Hiện nay người tiêu dùng thông thái dành nhiều sự quan tâm cho xuất xứ và đơn vị sản xuất. Họ thường căn cứ vào mã vạch sản phẩm để kiểm tra thông tin. Chính vì thế, đăng ký mã vạch cũng là một phương pháp để bạn chứng minh, tạo dựng niềm tin cho khách hàng.
4. Làm thế nào để có mã số, mã vạch trên sản phẩm
Hồ sơ đăng ký sử dụng mã số, mã vạch
Theo quy định khoản 1 Điều 1 Thông tư 16/2011/TT-BKHCN, hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch gồm 01 bộ, cụ thể như sau:
- Bản đăng ký sử dụng MSMV theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quyết định 15/2006/QĐ-BKHCN (02 bản);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại hoặc bản sao Quyết định thành lập đối với các tổ chức khác (01 bản);
- Phiếu đăng ký thông tin cho cơ sở dữ liệu của GS1 Việt Nam (Mạng GEPIR) theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Quyết định 15/2006/QĐ-BKHCN (02 bản).
Trình tự cấp mã số mã vạch
- Đăng ký sử dụng mã số mã vạch;
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch;
- Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;
- Hướng dẫn sử dụng mã số mã.
Nguồn: Sưu tầm
#NhưNgọc