1. Chuyển mục đích sử dụng đất là gì?
Luật đất đai năm 2013 đưa ra những quy định cụ thể về những trường hợp chuyển mục đích sử dụng và một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Song, Luật đất đai năm 2013 không đưa ra khái niệm cụ thể về chuyển mục đích sử dụng đất.
Dựa vào những quy định được đưa liên quan đến trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Từ đó, ta có thể hiểu về khái niệm chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Chuyển mục đích sử dụng đất là sự thay đổi về mục đích sử dụng đất đối với loại đất ban đầu.
Chuyển mục đích sử dụng đất có thể được thực hiện bằng quyết định hành chính bao gồm:
- Quyết định hành chính quy định trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép.
- Quyết định hành chính quy đinh việc đăng ký biến động đất đai trong trường hợp không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép
Theo khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm:
– Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
– Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
– Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
– Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
3. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép
Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm:
– Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
– Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
– Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
– Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
4. Thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Tại Điều 59 Luật đất đai 2013 có quy định thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất như sau:
– UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;
– UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.
5. Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT có quy định về hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ bao gồm:
– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Thời gian giải quyết
Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định về thời gian thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, cụ thể:
– Đối với trường hợp giao đất, thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian giải phóng mặt bằng;
– Chuyển mục đích sử đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 3 ngày cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 15 ngày.