Chính sách mới có hiệu lực ngày (01/11/2019)
Hôm nay là ngày chính thức có hiệu lực của rất nhiều chính sách trong các lĩnh vực của đời sống như bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, thủy lợi…
1/ Lần đầu tiên luật hóa quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Đây là một trong những điểm nổi bật nhất nêu tại Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019.
Theo đó, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là dịch vụ gồm tư vấn, đánh giá rủi ro, tính toán, giám định tổn thất và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Trong đó, cá nhân được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; hợp đồng cung cấp dịch vụ phải được lập thành văn bản…
Đồng thời, Luật này cũng quy định chủ sở hữu nhãn hiệu phải sử dụng liên tục nhãn hiệu; không sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực…
Chính sách mới có hiệu lực 1/11/2019 (Ảnh minh họa)
2/ 5 trường hợp bị thu hồi chứng chỉ tư vấn bảo hiểm
Nhằm hướng dẫn các quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 65 quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm.
Theo đó, chứng chỉ tư vấn bảo hiểm nói riêng và chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm nói chung sẽ bị thu hồi trong 05 trường hợp: Giả mạo, gian lận về thông tin kê khai; Nhờ người khác thi hộ; Cho người khác sử dụng chứng chỉ…
Người vi phạm sẽ không được tham gia các kỳ thi về phụ trợ bảo hiểm trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi chứng chỉ.
3/ Giảm thuế nhập khẩu dầu mỏ thô xuống 0%
Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu thông thường của mặt hàng dầu mỏ thô sẽ giảm từ 5% xuống 0%.
Đồng thời, Quyết định này cũng sửa đổi mô tả hàng hóa nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu thông thường là 5% cho một số mặt hàng như giấy bạc ngân hàng; Ống thông; Các thiết bị lưu trữ bền vững, thể rắn…
4/ Cập nhật biểu phí dịch vụ thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 26 năm 2013 về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, Thông tư 33/2018/TT-NHNN này bổ sung một số phí dịch vụ thanh toán trong nước như:
– Phí xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 0,02% số tiền thanh toán (tối thiểu 4.000 đồng/món, tối đa 100.000 đồng/món);
– Phí giao dịch thanh toán bằng Đô la Mỹ (USD): 0,02% số tiền thanh toán (tối thiểu 0,2 usd/món, tối đa 5 usd /món)…
Nhiều chính sách về lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực (Ảnh minh họa)
5/ Bổ sung 2 bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể
Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Theo đó, so với trước đây, Thông tư này đã bổ sung thêm 02 bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (TTCT) là:
– Tỷ lệ phần trăm TTCT do di chứng rối loạn tâm thần và hành vi sau chấn thương, vết thương sọ não sử dụng trong giám định pháp y tâm thần;
– Tỷ lệ phần trăm TTCT do bệnh rối loạn tâm thần và hành vi sử dụng trong giám định pháp y…
6/ Bỏ nhiều thủ tục thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Đây là nội dung chính nêu tại Quyết định 2109 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Theo đó, hàng loạt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động thanh toán thực hiện tại Bộ phận một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được bãi bỏ như:
– Thông tư số 37/2016/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia;
– Thông tư số 21/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016 quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia…
7/ Trẻ em phải xuất trình giấy khai sinh mới được miễn vé tàu thủy
Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 34/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về vận tải đường thủy nội địa.
Theo đó, trẻ em muốn được miễn vé thì phải xuất trình giấy khai sinh và ngồi chung với hành khách đi kèm khi lên tàu thủy.
Ngoài ra, người cao tuổi sẽ được giảm tối thiểu 15% giá vé nếu xuất trình giấy tờ chứng minh; người khuyết tật nặng sẽ được giảm tối thiểu 25% giá vé nếu có giấy xác nhận khuyết tật.
Đồng thời, giá vé sẽ được niêm yết công khai tại cảng, bến hành khách, trang thông tin điện tử…
8/ Kỳ hạn gửi ngân quỹ Nhà nước nhàn rỗi tối đa 3 tháng
Thông tư 64/2019 do Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước có nhiều nội dung mới.
Một trong số đó là việc quy định kỳ hạn gửi ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại Ngân hàng thương mại theo các kỳ hạn 01, 02 và 03 tháng. Và kỳ hạn này do Kho bạc Nhà nước lựa chọn dựa trên phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước được phê duyệt mỗi quý…
9/ Theo dõi giám định pháp y bằng camera nếu cần
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-BYT về quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần.
Theo đó, sau khi tiếp nhận sẽ đưa đối tượng giám định vào buồng theo dõi, trường hợp cần thiết phải theo dõi bằng camera. Thời gian theo dõi giám định tối đa là 06 tuần/01 đối tượng giám định (có thể kéo dài thời gian theo dõi không quá 03 tuần)…
Đồng thời, Thông tư này cũng ban hành các biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền như: Biên bản giao, nhận hồ sơ trưng cầu giám định; Biên bản tiếp nhận đối tượng giám định đang bị giam giữ…
10/ Kho bạc Nhà nước có 4 loại tài khoản
Để quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 58/2019/TT-BTC.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước sẽ mở các loại tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại. Đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, gồm 04 loại: Tài khoản thanh toán tổng hợp; Tài khoản chuyên thu tổng hợp; Tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu…
11/ Thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 1671 thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam trực thuộc Cục An toàn thông tin.
Theo đó, Trung tâm này được thành lập nhằm thực hiện thu thập, thống kê, báo cáo số liệu và xây dụng cơ sở dữ liệu về ứng cứu sự cố, kiểm định an toàn thông tin và phòng, chống, ngăn chặn thư điện tử rác, tin nhắn rác.
Đặc biệt: Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật…
12/ Sửa đổi các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam
Danh mục này được ban hành kèm Thông tư số 36/2019/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Theo đó, Thông tư này sẽ thay thế danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 16 năm 2013, cụ thể:
– Thay tên tuyến vận tải thủy thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh từ Đầm Hà – Đảo Trần thành Hải Hà – Đảo Trần – Cô Tô;
– Bổ sung thêm tuyến vận tải thủy Trần Đề – Côn Đảo thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng;
– Bỏ 03 tuyến vận tải thủy An Biên – Thổ Châu, An Biên – Nam Du, An Biên – Phú Quốc thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang…
Bổ sung nhiều tuyến vận tải thủy trong vùng biển Việt Nam (Ảnh minh họa)
13/ Thi công nạo vét duy tu đường thủy nội địa trong tối đa 20 ngày
Đây là nội dung nổi bật nêu tại Thông tư 33/2019/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành về hoạt động nạo vét vùng nước đường thủy nội địa.
Theo đó, nhà thầu thi công nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc phải có trách nhiệm:
– Hoàn thành thi công không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hoặc theo phản ánh để đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng;
– Bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật…
Đồng thời, 20 ngày cũng là thời gian hoàn thành thi công của nhà thầu thi công nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng từ nguồn ngân sách Nhà nước nêu tại Thông tư 35/2019/TT-BGTVT quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển…
Những văn bản này đều có hiệu lực từ ngày 01/11/2019.